Viêm nướu: Có phải tất cả đều giống nhau?

Viêm nướu

Viêm nướu là tình trạng thường  gặp nhất trong các vấn đề về sức khỏe răng miệng và nên được quan tâm một cách kĩ lưỡng. Các bệnh về nướu có dẫn đến tình trạng mất xương nâng đỡ, gây ra tụt nướu hay nặng hơn nữa là mất răng. Viêm đỏ, sưng đau và chảy máu là những triệu chứng chính của tình trạng viêm nướu. Ngoài ra còn có thể gây đau miệng mặt hoặc hơi thở có mùi hôi.

Tuy nhiên, có khá nhiều loại viêm nướu với nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó, việc hiểu được chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng viêm nướu giúp chúng ta có thể nhận biết đúng và có cách điều trị hợp lý.

Viêm nướu do mảng bám

Viem-nuou-ha-khoa-hiDental-1

Viêm nướu do mảng bám ở một bệnh nhân nam trưởng thành

Nguyên nhân phổ biến nhất của tình trạng viêm nướu chính là mảng bám răng. Mảng bám gây bệnh bám trên răng và nướu, chứa các vi khuẩn có khả năng phóng thích các chất độc tố, gây phá hủy dần nướu răng của bạn nếu không được loại bỏ kịp thời.

Giải pháp cho trường hợp này chính là loại bỏ mảng bám nhờ một dụng cụ chuyên dụng được các bác sĩ nha khoa thực hiện.

Để tránh tình trạng này bạn phải chải răng đúng cách hai lần mỗi ngày. Và quan trọng nhất là đến bác sĩ nha khoa của bạn khám đều đặn ít nhất hai lần một năm để kiểm tra tình trạng viêm nướu cũng như phát hiện những bệnh lý răng miệng khác nếu có.

Viêm nướu tuổi dậy thì

Viêm nướu tuổi dậy thì ở một bệnh nhân tuổi teen với tình trạng vệ sinh răng miệng kém

Trong suốt quá trình dậy thì, sự thay đổi nội tiết tố khiến cho thanh thiếu niên có nguy cơ mắc bệnh viêm nướu cao hơn bình thường. Viêm nướu tuổi dậy thì là tình trạng rất thường gặp ở cả nam và nữ lứa tuổi vị thành niên nhưng lại ít được nhiều người biết đến. Tỉ lệ mắc bệnh viêm nướu tuổi dậy thì cao nhất ở trẻ từ 11 tuổi đến 13 tuổi.

Triệu chứng phổ biến nhất ở những bệnh nhân trẻ tuổi này là tình trạng chảy máu và sưng ở phần nướu giữa hai răng kế nhau. Một cách bao quát hơn, sẽ thấy viền nướu của các răng bị viêm đỏ. Thời gian đầu mới khởi phát, tình trạng viêm nướu tuổi dậy thì có vẻ ít nghiêm trọng. Tuy nhiên, mảng bám răng rất dễ tích tụ xung quanh nướu bị sưng đỏ, lâu ngày sẽ dẫn đến những tình trạng viêm trầm trọng hơn.

Điều trị tốt nhất cho tình trạng viêm nướu này ngăn ngừa sự phát triển của chúng. Lời khuyên tốt nhất dành cho bạn vẫn là chải răng ít nhất hai lần mỗi ngày, ngoài ra nên sử dụng thêm chỉ nha khoa để loại bỏ mảng bám giữa hai răng kế cận. Và đừng quên đến bác sĩ nha khoa khám kiểm tra để đưa ra chẩn đoán và điều trị thích hợp.

Viêm nướu thai nghén

 U nướu thai nghén ở một thai phụ 7 tháng

Tương tự như viêm nướu tuổi dậy thì, sự tăng cao của nội tiết tố Progesterone ở những phụ nữ đang mang thai gây ra tình trạng gia tăng số lượng vi khuẩn trong miệng. Trong một số trường hợp, nướu xảy ra tình trạng tăng kích thước, trông như một cái bướu nhỏ (U nướu thai nghén).

U nướu thai nghén thường sẽ tự hết sau khi sinh. Tuy nhiên, nếu u nướu gây ảnh hưởng nhiều đến việc ăn uống hay sinh hoạt hằng ngày, nha sĩ có thể chỉ định loại bỏ chúng bằng một thủ thuật đơn giản dưới tác dụng của thuốc tê tại chỗ. Nếu u nướu không loại bỏ được, bác sĩ sẽ cố gắng tìm ra nguyên nhân tại chỗ gây u nếu có như mảng bám và loại bỏ chúng.

Các nhà khoa học chỉ ra rằng viêm nướu thai nghén sẽ trầm trọng hơn ở những phụ nữ có tình trạng vệ sinh răng miệng kém trước khi mang thai. Vì thế, phụ nữ nên quan tâm chăm sóc sức khỏe răng miệng và đến kiểm tra răng ở bác sĩ nha khoa trước khi có ý định có em bé. Việc duy trì sức khỏe răng miệng tốt là hết sức cần thiết để tránh nguy cơ phát triển của viêm nướu thai nghén.

Viêm nướu triển dưỡng do sử dụng thuốc

 

Triển dưỡng nướu do sử dụng Phenytoin

Triển dưỡng nướu do sử dụng Cyclosporine

Triển dưỡng nướu do sử dụng Amlodipine

Triển dưỡng nướu do thuốc xảy ra do phản ứng bất lợi của thuốc ở những bệnh nhân điều trị với thuốc chống động kinh (Vd: Phenytoin), thuốc chống thải ghép (Vd: Cyclosporine) hay các thuốc chặn kênh Ca để điều trị cao huyết áp (Vd: Amlodipine).

Do tất cả các trường hợp này gây ra bởi tác dụng phụ của một số loại thuốc. Cho nên, chúng không thể được xử lý chỉ nhờ nha sĩ mà còn nhờ các bác sĩ chuyên khoa. Giảm liều sử dụng các thuốc trên hoặc thay đổi sang những loại thuốc khác có thể giúp giảm tình trạng sưng nướu này. Tuy nhiên, việc thay đổi điều trị tất nhiên phải được quyết định bởi bác sĩ chuyên khoa.

Kiểm soát mảng bám gây bệnh có thể giúp giảm và ngăn ngừa tình trạng triển dưỡng nướu. Đối với mỗi các nhân, chúng ta có thể kiểm soát mảng bám bằng cách duy trì vệ sinh răng miệng tốt; chải răng đúng cách với bàn chải thường hoặc bàn chải điện, sử dụng chỉ nha khoa, bàn chải kẽ. Trong một số trường hợp, triển dưỡng nướu nghiêm trọng sẽ gây cản trở việc vệ sinh răng miệng, lúc ấy, bạn nên đến bác sĩ nha khoa của mình để được loại bỏ mảng bám răng bằng những phương pháp chuyên biệt.

Kết luận

Viêm nướu là một trong những bệnh hay gặp nhất ở răng miệng. Tùy theo từng nguyên nhân, sẽ có nhiều cách để tiếp cận và kiểm soát tình trạng viêm nướu. Nâng cao nhận thức các nhân và thường xuyên đến bác sĩ nha khoa khám kiểm tra là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa và giải quyết các vấn đề về nướu của bạn.

Facebook Comments
2,519 Lượt xem