Cấy ghép nha khoa: vật liệu ghép xương

Đối với những người bị mất một hoặc nhiều hoặc thậm chí tất cả các răng, cấy ghép implant là một trong những lựa chọn điều trị tốt nhất. Đôi khi, bác sĩ phẫu thuật của bạn sẽ tư vấn bạn về việc ghép xương. Nghe thật đáng sợ nhỉ? Nhưng thật ra chúng không quá ghê gớm – kỹ thuật này đã được các chuyên gia nha khoa thực hiện rất nhiều và phổ biến.

Hãy chuẩn bị để cùng tìm hiểu thế nào là một điều trị ghép xương nhé.

Ghép xương là gì?

Ghép xương là kỹ thuật mà bác sĩ phẫu thuật đưa mô xương từ nơi khác vào hàm của bạn. Kỹ thuật điều trị này không phải lúc nào cũng cần thiết.

Vật liệu ghép xương đặt trong ổ răng trống

Tại sao cần phải ghép xương?

Implant nha khoa là một trụ titan (hình thể giống như chân răng) được phẫu thuật đặt vào trong xương hàm bên dưới mô nướu. Trong một số trường hợp, nếu nha sĩ thấy xương của bạn quá mỏng, mềm hoặc không đủ để làm nền đỡ cho implant, họ sẽ chỉ định thủ thuật ghép xương. Bởi vì, nếu không có đủ xương, implant có thể hư hỏng, thất bại theo thời gian.

Quá trình gia tăng lượng mô xương sau ghép xương

Vật liệu ghép xương được lấy từ đâu?

Nhìn chung, có bốn loại vật liệu ghép xương: tự thân, đồng chủng, dị chủng hoặc nhân tạo.

Ghép xương tự thân

Xương để ghép có thể lấy từ chính cơ thể bệnh nhân, ở những vùng xương không thiết yếu và có thể lấy bớt (như vùng cằm, phía sau hàm, hông hoặc chân). Đây là loại vật liệu ghép tốt nhất vì hạn chế lây nhiễm và bị đào thải. Tuy nhiên, nha sĩ cần thực hiện một vị trí phẫu thuật thứ hai để lấy xương ghép.

Ghép xương đồng chủng

Ghép xương đồng chủng dùng vật liệu ghép từ người. Sự khác biệt là ghép xương đồng chủng lấy xương từ cá thể khác với người được nhận ghép. Xương được lấy từ những người hiến mô; được bảo quản trong ngân hàng mô.

Loại xương này được xử lý đặc biệt để loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn và các mô hữu cơ khác, vì vậy vật liệu ghép chỉ gồm mô xương mà không có gì khác. Xương này hoàn toàn vô trùng. Ưu điểm của hình thức này là không cần một phẫu thuật thứ hai để lấy mô ghép.

Ghép xương dị chủng

Xương cũng có thể được lấy từ động vật, chẳng hạn như xương bò. Xương phải trải qua quá trình xử lý để đảm bảo an toàn khi cấy ghép, và được sử dụng dưới dạng chất nền xương đã khoáng hóa.

Ghép xương nhân tạo

Xương nhân tạo có thể được tạo ra từ các vật liệu như canxi phosphat, bioglass và canxi sunphat. Những vật liệu này kết hợp với các yếu tố tăng trưởng hoặc trộn với tủy xương để tăng hoạt tính sinh học.

Việc ghép xương có ảnh hưởng tới thời gian và chi phí điều trị?

Chắc chắn là có.

Ghép xương có thể kéo dài tổng thời gian điều trị và gia tăng chi phí, nhưng điều đó còn phụ thuộc vào lượng xương được ghép, nơi cấy ghép và loại phục hình răng bạn dự định thực hiện.

Sau quá trình ghép xương, bạn phải chờ đợi, có thể là vài tháng, để vật liệu ghép kích thích tạo ra đủ xương mới, vững chắc, khỏe mạnh, đảm bảo cho sự ổn định và an toàn của implant.

Điều trị ghép xương thành công sẽ giúp xương hàm của bạn chắc khỏe và giữ vững implant trong miệng.

Tài liệu tham khảo

  1. Kumar, P., Vinitha, B., & Fathima, G. (2013). Ghép xương trong nha khoa. Tạp chí Dược phẩm & Khoa học Sinh học, 5 (Phụ lục 1),  trang 125 – 127.
  2. Misch, Carl E. Cấy ghép nha khoa đương đại. St. Louis, MO: Mosby Elsevier, 2008.

 

Facebook Comments
1,828 Lượt xem