Bạn e ngại không muốn đến khám nha sĩ khi đang mang thai? Thư giãn đi, bởi vì Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ và Đại học Sản phụ khoa Hoa Kỳ đã đồng thuận rằng việc chăm sóc sức khỏe răng miệng khi mang thai là hoàn toàn an toàn, trong khi việc trì hoãn điều trị nha khoa thậm chí có thể gây hại cho bạn.
Mang thai có thể gây bùng phát các vấn đề sức khỏe răng miệng, bao gồm các vấn đề về nướu và mòn răng.
1. Vấn đề về nướu:
Thay đổi nội tiết tố làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về nướu khi mang thai.
- Viêm nướu là hiện tượng viêm nhiễm tại vùng nướu. Dấu hiệu của viêm nướu có thể bao gồm hiện tượng sưng và chảy máu vùng nướu. Rất may mắn, tăng cường vệ sinh răng miệng trong giai đoạn thai kỳ có thể giúp cải thiện tình trạng này. Hãy dành thời gian để chải răng hai lần mỗi ngày, mỗi lần ít nhất 2 phút với kem đánh răng có fluoride và làm sạch kẽ răng của bạn một lần mỗi ngày bằng chỉ nha khoa hoặc các dụng cụ khác như máy tăm nước.
- Nếu không được điều trị, viêm nướu có thể dẫn đến viêm nha chu. Khi bị viêm nha chu, nhiễm trùng sẽ lan sâu dưới đường nướu và có thể làm hỏng các mô quanh răng (bao gồm dây chằng nha chu và xương ổ răng) của bạn. Nếu không điều trị nha khoa, răng có thể bị lung lay và thậm chí có thể rơi ra, hoặc cần phải nhổ.
- Ngoài ra, một số phụ nữ có thể xuất hiện các khối u trên nướu khi mang thai. Thực ra, những khối này không gây đau hay gây hại gì, nhưng lại có thể gây khó khăn cho việc giữ răng sạch sẽ. Thông thường, chúng sẽ biến mất sau khi em bé được sinh ra. Tuy nhiên, nếu các khối u khiến bạn gặp khó khăn trong việc chăm sóc răng, nha sĩ sẽ đề nghị cắt bỏ những khối u này.
2. Ăn mòn răng:
- Xói mòn răng là sự hòa tan của lớp men cứng bên ngoài của răng khi răng của bạn liên tục tiếp xúc với axit. Nếu bạn bị nôn mửa thường xuyên trong giai đoạn ốm nghén, bạn có thể có nguy cơ bị xói mòn răng đấy.
- Để giúp chống xói mòn răng, hãy súc miệng sau khi nôn bằng một muỗng cà phê baking soda hòa tan trong 1 cốc nước nhé. Tuy nhiên, bạn không được chải răng lại ngay đâu! Nước súc miệng baking soda sẽ giúp ngăn chặn axit tấn công răng của bạn và thời gian sẽ cho phép men răng cứng lại. Bạn có thể đánh răng sau khoảng một giờ.
3. Những vấn đề khác:
Bạn cũng có thể băn khoăn về việc chụp phim X-quang, sử dụng thuốc hoặc khi nào là an toàn nhất để thực hiện các điều trị nha khoa. hiDental sẽ giải đáp những thắc mắc đó giúp bạn nhé!
- X-quang nha khoa được coi là dịch vụ an toàn cho người mang thai. Tuy nhiên, Trường Đại học Sản phụ khoa Hoa Kỳ khuyến cáo rằng bạn nên mặc áo chì để bảo vệ che cổ họng và bụng trong khi chụp X quang.
- Nha sĩ của bạn có thể cần kê đơn thuốc trong một số kế hoạch điều trị nha khoa. Trong trường hợp đó, họ sẽ hạn chế tối đa các loại thuốc có thể gây hại đến sức khỏe của bạn hay thai nhi.
- Mặc dù điều trị nha khoa luôn được chứng minh là an toàn trong suốt thai kỳ, bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn trong tam cá nguyệt thứ hai. Lí do là bởi buồn nôn và nôn có thể là vấn đề trầm trọng trong ba tháng đầu, và trong ba tháng thứ ba, bạn có thể không thoải mái khi nằm nghiêng trên ghế nha khoa vì trọng lượng của em bé. Nếu bạn không thoải mái hoặc cảm thấy chóng mặt trong khi điều trị, hãy nói ngay với nha sĩ của bạn để họ có thể giúp bạn thay đổi tư thế nằm nhé!
- Và tốt nhất, bạn nên khám sức khỏe tiền sản, bao gồm cả khám nha khoa để được phát hiện và điều trị dự phòng tất cả các vấn đề răng miệng trước khi mang thai.
Facebook Comments
1,342 Lượt xem